Giải pháp phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh sau đại dịch

Sau 4 tháng xảy ra đại dịch Covid – 19 (từ tháng 6 đến tháng 9/2021), Tp Hồ Chí Minh hiện là nơi chịu ảnh hưởng dịch bệnh lớn nhất cả nước. Không chỉ thế, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi chịu thiệt hại về kinh tế lớn nhất cả nước. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân dự báo tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh có thể âm 5% vào năm 2021.

Suốt thời gian giãn cách 4 tháng, toàn thành phố chỉ có 2.000 doanh nghiệp hoạt động. Tương đương 0.7% tổng doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh. Đồng nghĩa với việc 99% doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh không hoạt động. Và 99% người lao động không có thu nhập trong hơn 3 tháng. Để khắc phục những hậu quả từ đại dịch Covid-19 cũng như phục hồi nền kinh tế, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một số giải pháp khắc phục trong thời gian sắp tới.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh dự báo tăng trưởng âm

Kinh tế TP Hồ Chí Minh suy giảm tăng trưởng chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2019 đạt khoảng 7,8%. Năm 2020 là 1,36% và năm 2021 ước -5%. Tức là quy mô tổng sản phẩm nội địa của thành phố năm 2021 chỉ bằng khoảng 96,3% của năm 2019. Giá trị kinh tế thành phố tạo ra 2021 (GRDP) nhỏ hơn 3,7% so với 2019 (giá so sánh).

Kinh tế TP Hồ Chí Minh dự báo tăng trưởng âm
Kinh tế TP Hồ Chí Minh dự báo tăng trưởng năm 2021 âm 5%

Nếu kinh tế Thành phố không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, với tốc độ tăng trưởng giả định 2-2020 và 2021 là 8%/năm, thì GRDP của Thành phố năm 2021 sẽ lớn hơn GRDP năm 2019 là 16,6%. Thấp hơn mức bình quân 8,27%/năm của giai đoạn 2016-2019. Như vậy giá trị GRDP của thành phố bị mất đi do đại dịch năm 2021 bằng khoảng 20% GRDP năm 2019 (3,7% + 16,6%). Tương đương 268.000 tỷ đồng (khoảng hơn 11 tỷ USD).

Việc người dân, người lao động và hoạt động vận tải hàng hóa bị hạn chế hoặc cấm trong thời gian dịch 4 tháng qua (6-9-2021) đã làm cho 80% lao động Thành phố (hơn 3,7 triệu người) bị giảm hoặc mất thu nhập. Có khoảng 300.000 người lao động trở về các tỉnh do dại dịch. Như vậy chiếm khoảng 6% lao động ở thành phố.

Cần hỗ trợ các nguồn lực để phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh vấn đề cần hỗ trợ các nguồn lực để phục hồi nền kinh tế của Thành phố. Theo ông Nhân, mặc dù Thành phố năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5%; song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế vẫn còn nguyên vẹn. Cụ thể, thiết bị công nghệ, máy móc của 288.000 doanh nghiệp vẫn còn nguyên. Các lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động vẫn còn nguyên.

Cần hỗ trợ các nguồn lực để phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh
Cần hỗ trợ các nguồn lực để phục hồi nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh

“”Đoàn tàu” kinh tế TP Hồ Chí Minh còn nguyên “đầu tàu và toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu”, ông Nhân cho biết. Theo ông Nhân, chúng ta cần kinh phí mua “dầu” để “đoàn tàu” chạy trở lại. Khi tàu trở lại, bán được vé, có tiền thì sẽ có tiền trả nợ.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra con số cần tính toán hỗ trợ cho 288.000 doanh nghiệp và 400.000 hộ kinh doanh. Theo đại biểu này, dự báo khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ. 80% doanh nghiệp cần hỗ trợ Nhà nước để có đủ vốn lưu động. Mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ/doanh nghiệp, 25 triệu/hộ kinh doanh cá thể. “Tổng mức vay 440.000 tỷ thì có thể khởi động lại hầu hết cho doanh nghiệp này”, ông Nhân tính toán.

Giải pháp khắc phục hậu quả và phục hồi kinh tế TP. HCM

– Chương trình dài hạn: Phòng dịch Covid-19 hiệu quả. Đảm bảo sản xuất kinh doanh và đời sống an toàn trong điều kiện bình thường mới. Đại biểu Nhân cho rằng TP Hồ Chí Minh cần đưa số người nhiễm bình quân 1 ngày từ mức khoảng 1.000 xuống dưới 500 người; phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

– Chương trình ngắn hạn 1: Hỗ trợ 420.000 người đã nhiễm Covid-19 và gia đình 16.500 người đã mất vì Covid-19. Để họ phục hồi sức khỏe, tinh thần, tiếp tục mưu sinh, lao động. Dự kiến hỗ trợ 420.000 người đã nhiễm Covid-19 mỗi người 2 triệu đồng. Hỗ trợ thân nhân của 16.500 người đã mất vì Covid-19 mỗi người 5 triệu đồng. Tổng kinh phí cho chương trình ngắn hạn 1 là 922,5 tỉ đồng.

Giải pháp khắc phục hậu quả và phục hồi kinh tế TP. HCM
Cần hỗ trợ, thu hút trở lại 300.000 lao động đã về quê

– Chương trình ngắn hạn 2: “Đảm bảo nhân lực cho phục hồi kinh tế”. Hỗ trợ người lao động trở lại thành phố làm việc và bổ sung lao động thiếu. Chương trình thực hiện trong quý 4.2021. Chi phí thực hiện chương trình dự kiến là 600 tỷ đồng. Số người lao động ở TP Hồ Chí Minh đã về quê khoảng 300.000 người. Mức hỗ trợ để trở về Thành phố và trả tiền thuê nhà 1 tháng là 2 triệu đồng/người.

– Chương trình ngắn hạn 3: “Doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đủ nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh”. Hỗ trợ đảm bảo thanh khoản cho hầu hết các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu để phục hồi hoạt động. Chương trình thực hiện trong quý 4-2021 và quý 1-2022.

Dự kiến tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh lên 21%

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội. Trong phần dự toán các địa phương, Bộ Tài chính có tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh. Cụ thể từ mức 18% hiện nay lên mức 21%.

Báo cáo của Bộ Tài chính ước tính tổng thu ngân sách TP Hồ Chí Minh dự kiến năm 2022 là gần 386.570 tỷ đồng. Với con số này, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có thu ngân sách lớn nhất cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước tính hơn 1,56 triệu tỷ đồng.

Với tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương được hưởng 21%, TP Hồ Chí Minh được giữ lại hơn 41.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là gần 42.600 tỷ đồng. Như vậy tổng thu ngân sách địa phương TP Hồ Chí Minh được hưởng theo phân cấp là hơn 84.120 tỷ đồng. Tăng gần 22% so với dự toán năm 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *