Việt Nam đứng thứ 2 xuất khẩu giày dép, đứng đầu xuất khẩu giày vải

Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự phân bố địa lý của sản xuất giày dép trên thế giới không có nhiều thay đổi. Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu giày lớn nhất trên thế giới, nhưng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày thế giới đã giảm dần trong 10 năm qua. Không riêng gì Châu Á, tỷ trọng xuất khẩu giày từ các châu lục khác cũng đang có xu hướng giảm, ngoài thị trường Châu Âu.

Mới đây, theo số liệu từ World Footwear Yearbook, Việt Nam đang là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu giày dép nói chung, và đứng đầu về xuất khẩu giày vải. Trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giày da cũng là một ngành chủ lực. Với những tín hiệu khởi sắc từ thị trường các nước trên thế giới, dự báo sẽ có những chuyến biến tốt hơn trong ngành hàng này.

Châu Á vẫn là “công xưởng” giày dép của thế giới

Theo số liệu từ World Footwear Yearbook, sản xuất giày dép trên toàn thế giới trong giai đoạn 2010 – 2019 tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 2,2%. Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh giày dép thế giới, với sản xuất giảm 15,8%. Tương đương giảm gần 4 tỉ đôi so với năm 2019, đạt 20,5 tỉ đôi. Dù vậy, sự phân bố địa lý của sản xuất giày dép trên giới không bị ảnh hưởng.

Châu Á vẫn là "công xưởng" giày dép của thế giới
Châu Á vẫn là “công xưởng” giày dép của thế giới

Ngành công nghiệp giày dép tiếp tục tập trung mạnh ở châu Á. Cứ 10 đôi giày thế giới làm ra thì có tới 9 đôi được sản xuất tại đây. Chiếm 87% tổng sản lượng giày dép thế giới. Giúp tăng thêm 0,2 điểm phần trăm tỷ trọng trong sản xuất giày dép thế giới. Tiếp theo là Nam Mỹ chiếm 4,6%, châu Âu chiếm 3,2%, châu Phi chiếm 3,1%, Bắc Mỹ chiếm 1,5%. Trung Quốc là nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới khi chiếm 54,3% tổng sản lượng. Tuy nhiên, năm 2020, sản xuất giày dép của Trung Quốc đã giảm hơn 2 tỉ đôi so với năm 2019. Và tiếp tục giảm 1 điểm phần trăm về thị phần. Sự sụt giảm này đến từ sự vươn lên của Việt Nam, Indonesia và một số thị trường khác.

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất

Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép. Tổng số lượng đạt 1,233 tỉ đôi trong năm 2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%). Và tăng 4,4 lần so với năm 2011 (chiếm 2,3%, với 316 triệu đôi giày được xuất khẩu).

Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xuất bản World Footwear Yearbook, Trung Quốc không dẫn đầu xuất khẩu đối với một loại giày dép. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giày dép Việt Nam giai đoạn 2016 – 2019 tăng 12,1%/năm. Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới. Trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam
Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2020

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong quý 3/2021 đạt 2,925 tỷ USD. Giảm 47,7% so với quý 2/2021, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu xét về số tuyệt đối, trong số các ngành hàng xuất khẩu, giày dép là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất so với quý 2/2021, khi giảm 2,67 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, giày dép giảm đứng thứ 2, khi giảm 1,08 tỷ USD. Chỉ sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm.

Dù vậy, các tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép vẫn tăng cao. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,31 tỷ USD. Tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng thấp hơn mức tăng 12,8% của 9 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19).

Giày dép là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,2%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019. Sắp tới, các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU sẽ mở cửa trở lại. Thị trường tiêu dùng sẽ được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng da giày… sẽ tăng trở lại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *